Chi tiết tin tức

Cuộc đời và đạo hạnh của Tôn giả Rāhula

21:56:00 - 05/03/2024
(PGNĐ) -  Bài viết này góp phần phác thảo rõ nét hơn về cuộc đời, đạo nghiệp, phẩm hạnh của Tôn giả Rāhula, thông qua nguồn tư liệu thu thập từ các thư tịch Phật giáo đáng tin cậy có liên quan đến ngài.

1. DẪN NHẬP
Trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có thể nói Tôn giả Rāhula là trường hợp rất đặc biệt. Bởi lẽ, trước tiên Ngài xuất thân là con ruột của Thái tử Siddhattha – người về sau trở thành đấng Giác ngộ. Không chỉ thế, Ngài còn là người con trong giáo pháp Thế Tôn, đón nhận sự giáo dưỡng trực tiếp và sâu sắc từ Đức Phật.

Tôn giả Rāhula không chỉ thừa hưởng đời sống vinh hoa do cha để lại, mà còn thừa hưởng trí tuệ, lòng từ bi và nhiều đức tính khác từ cha mình. Nối bước cha, Ngài từ bỏ tất cả phú quý, cất bước trên lộ trình giải thoát. Với tư chất vốn có, kết hợp sự nỗ lực đáng khâm phục, Ngài nhanh chóng gặt hái được thành tựu trên con đường tu tập, trở thành tấm gương sáng cho Tăng đoàn và hậu thế.

Bài viết này góp phần phác thảo rõ nét hơn về cuộc đời, đạo nghiệp, phẩm hạnh của Tôn giả Rāhula, thông qua nguồn tư liệu thu thập từ các thư tịch Phật giáo đáng tin cậy có liên quan đến ngài. Trong đó, nguồn tư liệu chủ đạo được sử dụng trong bài viết này là các tác phẩm thuộc truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda) như: Kinh tạng (Sutta Piṭaka), Luật tạng (Vinaya Piṭaka), Đại Phật sử (Mahā Buddhavaṃsa)…

2. KHÁI QUÁT THÂN THẾ CỦA TÔN GIẢ RÃHULA
Tôn giả Rāhula (La-hầu-la) là con trai của Thái tử Siddhattha (Tất-đạt-đa) và Công chúa Yasodharā (Da-du-đà-la), sinh ra ở thành Kapilavatthu (Ca-tì-la-vệ), tiểu quốc Sakya (Thích-ca). Trong đó, Siddhattha là con của vua Suddhōdana (Tịnh Phạn) và Yasodharā là con của vua Suppabuddha (Thiện Giác). Như vậy, từ khi sanh ra, Rāhula đã có được địa vị cao cấp trong xã hội.

Cái tên Rāhula có nghĩa là chướng ngại, hàm ý cậu bé là một trong những chướng ngại cho Thái tử Siddhattha trên con đường xuất thế [1]. Lý giải sâu xa hơn, tên gọi Rāhula bắt nguồn từ tên gọi Rāhu. Đây là tên một asura (a-tu-la) trong văn hóa Ấn Độ, vốn mang thân hình rắn, có thể nuốt mặt trăng và gây ra hiện tượng nguyệt thực.

Khi con trai chào đời, Thái tử Siddhattha quyết định xuất gia để tìm kiếm con đường giải thoát, lúc đó Ngài 29 tuổi. Từ đó, Rāhula mặc nhiên được xem là người kế vị vương quốc Sakya, khi tuổi đời còn rất nhỏ. Do vậy, dù kinh điển không ghi chép nhiều về cuộc sống thời thơ ấu của Rāhula ở hoàng cung, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán đó là một đời sống thọ hưởng những điều kiện vật chất đầy đủ, nhận được sự yêu thương từ hoàng tộc.

Cần nói thêm, Luật tạng của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda) cho rằng, Công chúa Yasodharā thọ thai vào đêm Thái tử Siddhārtha xuất gia. Sáu năm sau, Rāhula chào đời [2]. Do sanh muộn, hoàng tộc tình nghi Công chúa Yasodharā không giữ tiết hạnh và Hoàng tử Rāhula không phải là con của Thái tử Siddhārtha. Do đó, hai mẹ con đã vượt qua những thử thách để chứng minh sự trong sạch.

Quan điểm này về sau được Phật giáo Đại thừa tiếp nhận. Phật giáo Đại thừa có bài tán Chiên đànphản ánh giai thoại đó: “Chiên đàn hải ngạn/ Lư nhiệt thanh hương/ Gia Du tử mẫu lưỡng vô ương/ Hỏa nội đắc thanh lương/ Chí tâm kim tương/ Nhất chú biến thập phương” (Chiên đàn bờ biển/ Lò nóng hương thơm/ Mẹ con Gia Du khỏi tai ương/ Lửa rực hóa dịu êm/ Nguyện đem lòng thành/ Một nén tỏa mười phương).

Lên 7 tuổi, Hoàng tử Rāhula đón cha mình trở về vương thành Kapilavatthu, nhưng trong một vai trò khác, bởi lúc này Ngài đã trở thành bậc Giác ngộ. Chúng ta có thể chú ý, khi Công chúa Yasodharā gặp lại Đức Phật, kinh điển không ghi chép về sự có mặt của Rāhula. Đến hôm sau, chú bé mới gặp mặt cha mình. Chi tiết đó phần nào cho thấy, Rāhula nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình, không xen vào công việc của người lớn, dù họ là cha mẹ mình. Tuy nhiên, Đại sư (Mahāvastu) của Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda) cho rằng, hoàng gia đã ngăn cản Rāhula gặp gỡ cha mình, nhưng cuối cùng Hoàng tử vẫn khăng khăng muốn biết mặt cha [3].

Hôm sau, khi Đức Phật đang đi từ xa đến, Công chúa Yasodharā nói với con: “Này Rāhula, người kia là cha của con. Hãy đi và cầu xin phần thừa kế”. Hoàng tử Rāhula đến Đức Thế Tôn, lần đầu tiên gặp gỡ cha mình, cậu bé nói: “Này vị Sa môn, bóng che của Ngài thật an lạc”. Sau đó, Rāhula đi theo sau và nói với Đức Phật: “Này vị Sa môn, hãy ban cho con phần thừa kế”. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất): “Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy cho Hoàng tử Rāhula xuất gia” [4]. Tài sản thế gian là những thứ dẫn dắt con người đến tham lam, đau khổ và luân hồi. Do vậy, Đức Phật đã ban cho Rāhula bảy tài sản của bậc Thánh (Thất thánh tài) là đức tin, giới hạnh, tàm, quý, kiến thức, xả ly và trí tuệ. Từ ngày ấy, Hoàng tử Rāhula gia nhập vào hàng ngũ Tăng già, trở thành vị Sa di đầu tiên, thành viên nhỏ tuổi nhứt trong hội chúng đệ tử Thế Tôn.

Nỗ lực học hỏi là một trong những đức tính tốt đẹp của Rāhula mà các Tỳ kheo trong Tăng đoàn bàn luận và tán thán. Khi nghe những lời bàn tán ấy, Đức Thế Tôn cũng không tiếc lời khen ngợi Rāhula. – (Ảnh: sưu tầm).


3. NHỮNG PHẨM HẠNH CỦA TÔN GIẢ RÃHULA
Tôn giả Rāhula là con trai của Đức Phật, do đó khi gia nhập Tăng đoàn, Ngài trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, không chỉ hội chúng Tỳ kheo mà còn quần chúng xã hội. Bởi, ai cũng muốn biết Đức Thế Tôn sẽ đối đãi và dạy dỗ con trai mình như thế nào trong đời sống xuất gia. Và có lẽ trước ai hết, bản thân Rāhula ý thức rõ điều đó, cho nên ngài không ngừng nỗ lực tu học và phát huy nhiều đức tính cao đẹp, dù tuổi đời còn rất nhỏ.

3.1. Tinh tấn
Khi còn là Sa di, Rāhula đã nổi tiếng là người ham học. Vào mỗi sáng, Ngài có thói quen nhặt một nắm cát và tự nhủ: “Cầu mong cho tôi có được những lời giáo giới từ Đức Thế Tôn hoặc từ thầy tế độ của tôi nhiều như những hạt cát trong tay của tôi” [5]. Điều đó cho thấy ý chí cầu học rất lớn của Rāhula.

Không chỉ học tập qua sự dạy dỗ trực tiếp từ Đức Phật, Rāhula còn học tập với chư vị Tôn giả Sāriputta, Moggallāna, Ānanda… Trước những bậc Tôn trưởng, Ngài bày tỏ sự tôn kính và sẵn lòng đón nhận lời giáo huấn từ các vị ấy. Ngài từng thưa với Đức Phật:
“Thường chung sống người hiền
Con không có khinh miệt
Người cầm đuốc loài người

Thường được con tôn trọng” [6].

Nỗ lực học hỏi là một trong những đức tính tốt đẹp của Rāhula mà các Tỳ kheo trong Tăng đoàn bàn luận và tán thán. Khi nghe những lời bàn tán ấy, Đức Thế Tôn cũng không tiếc lời khen ngợi Rāhula. Trong một lần, Ngài tuyên bố: “Trong các đệ tử Tỳ kheo của Ta, ưa thích học tập, tối thắng là Rāhula” [7]. Từ những nỗ lực to lớn ấy, Tôn giả Rāhula giác ngộ từ khi rất trẻ tuổi. Khi chia sẻ kinh nghiệm tu học của mình, Tôn giả Rāhula nhắc nhở hội chúng rằng: “Là Tỳ kheo trong hàng ngũ Sa môn, phải lấy pháp hành làm y chỉ, cả ngày lẫn đêm đừng rời khỏi pháp hành, phải tinh tấn để tăng trưởng và hoàn thiện pháp hành của mình” [8].

3.2. Khiêm cung
Khiêm cung là một đức hạnh nổi bật của Tôn giả Rāhula. Kinh Tiểu Bộ ghi chép một sự việc đầy xúc động. Một thời, Đức Thế Tôn ở Tịnh xá Badarika tại Kosambī. Bấy giờ, nhiều cư sĩ đến nghe pháp vào ban đêm và ngủ lại, gây ra sự lộn xộn. Đức Phật đặt ra giới: “Tỳ kheo nào nằm ngủ với người chưa thọ Ðại giới là phạm tội Pācittiya”.

Vốn trước đó, Sa di Rāhula ở chung với các Tỳ kheo. Sau khi Đức Phật chế giới, các Tỳ kheo nói với Rāhula: “Hiền giả La-hầu-la, Thế Tôn đã đặt ra học giới. Hiền giả nay hãy tìm chỗ ở của mình”. Rāhula không tìm được nơi cư trú riêng, bèn vào phòng vệ sinh của Đức Phật để ở tạm qua đêm. Khi Đức Phật phát hiện và hỏi han sự tình, Sa di nhẹ nhàng đáp: “Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỳ kheo cho con ở chung; nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở; vì nghĩ rằng đây là chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây!”.

Khi nghe câu trả lời, Đức Thế Tôn bất ngờ và xúc động. Ngài suy nghĩ: “Với La-hầu-la, các Tỳ kheo còn vất bỏ như vậy, thì đối với các lớp chúng trẻ mới xuất gia, có gì họ không làm được”. Do đó, hôm sau Ngài họp Tăng chúng và thay đổi giới luật: “Các ông được phép cho người chưa thọ Ðại giới ở chung một hay hai ngày. Ðến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ”.

Sự việc này được các Tỳ kheo tán thán: “Khi được hỏi chỗ ở của mình, La-hầu-la không nói: ‘Ta là con Đức Thế Tôn.’ La-hầu-la không chống đối một Tỳ kheo nào, nhưng đã đến phòng vệ sinh” [9].

3.3. Hiếu thảo
Mặc dù những ghi chép về Rāhula trong kinh điển không nhiều, tuy nhiên có những câu chuyện khiến người đời sau không khỏi xúc động và cảm phục. Khi Rāhula còn là vị Sa di, một lần nọ ngài đến thăm mẹ Yasodharā – bấy giờ đã trở thành Tỳ kheo Ni. Hôm ấy, bà bị đau bụng. Rāhula hỏi mẹ rằng, căn bịnh này có thể dùng thứ gì để chữa trị được. Bà trả lời: “Con ơi, nếu như hồi còn ở nhà thì cơn đau này thường được chữa bằng nước xoài có pha với nước đường; nhưng giờ đây, chúng ta đang sống bằng khất thực thì kiếm đâu ra thứ đó?”.

Nghe vậy, Rāhula trăn trở và quay về tìm cách. Song, ngài không thưa lên Đức Thế Tôn sự việc trên, mà trình bày với thầy mình là Tôn giả Sāriputta. Hôm sau, ngài Sāriputta vào cung vua Pasenadi xin nước xoài, rồi đưa cho Rāhula mang về. Thấy Tôn giả Sāriputta không dùng nước xoài tại cung vua mà mang đi, nhà vua sai thị vệ đi tìm hiểu xem Ngài mang nước xoài cho ai.

Sau khi thị vệ tìm hiểu sự tình và trở về trình báo, vua tự nghĩ: “Nếu bậc Ðạo sư trở về đời thế tục, Ngài sẽ là vị hoàng đế của cả thiên hạ, Sa di La-hầu-la sẽ là hoàng thái tử, Thánh nữ Tỳ kheo Ni ấy sẽ là hoàng hậu. Tất cả thế giới này đều thuộc quyền các vị ấy. Ta cần phải đến hầu thăm các vị ấy. Các vị đang sống gần đây, không nên để mất thì giờ”. Từ hôm đó, vua Pasenadi phát tâm cúng dường nước xoài cho Tỳ kheo Ni Yasodharā cho đến lúc khỏi bịnh hẳn [10].

Trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có thể nói Tôn giả Rāhula là trường hợp rất đặc biệt. Bởi lẽ, trước tiên ngài xuất thân là con ruột của Thái tử Siddhattha – người về sau trở thành đấng giác ngộ.


4. SỰ THỌ GIÁO CỦA TÔN GIẢ RÃHULA VỚI ĐỨC PHẬT
Trong văn hóa Á Đông, Trang Tử cho rằng: “Việc dẫu nhỏ chẳng làm cũng chẳng nên, con dẫu hiền chẳng dạy cũng chẳng tỏ” (Sự tuy tiểu bất tác bất thành, tử tuy hiền bất giáo bất minh) [11]. Quan điểm này có thể nhận thấy rõ đối với trường hợp Rāhula. Dù cậu bé có những đức tính tốt đẹp, nhưng Đức Thế Tôn luôn chăm chút dạy dỗ cậu bé một cách chu đáo.

Về sự thọ học của Rāhula với Đức Phật, kinh điển đề cập không nhiều, trong đó chủ yếu là ba bài kinh trong Kinh Trung Bộ, gồm: Kinh Giáo Giới La-hầu-la ở rừng Ambala, Tiểu kinh Giáo Giới La-hầu-la, Đại kinh Giáo Giới La-hầu-la. Ngoài ra, những chủ đề này được nhắc đến trong Kinh Tương Ưng Bộ và Kinh Tăng Chi Bộ với nội dung khá tương đồng. Ba bài kinh nói trên trong Kinh Trung Bộ tương ứng với ba giai đoạn trong quá trình tu tập của Rāhula. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy, Đức Thế Tôn dạy Rāhula những nội dung phù hợp từng độ tuổi, đi kèm những thí dụ sinh động, mang tính cảnh tỉnh cao.

Đức Phật dạy Kinh Giáo Giới La-hầu-la ở rừng Ambala khi Rāhula còn rất nhỏ. Nội dụng bài kinh nầy, Ngài nhắc nhở Rāhula không nói dối, từ đó mở rộng đến giữ gìn ba nghiệp là thân, miệng, ý. Đức Thế Tôn khẳng định: “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”, đồng thời căn dặn thêm: “Này Rāhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp” [12].

Khi Rāhula bước vào tuổi dậy thì, Đức Thế Tôn giảng dạy phương pháp quán niệm hơi thở qua Đại kinh Giáo Giới La-hầu-la. Ngài dạy tu tập như đất, nước, lửa, gió, hư không: Khi những cảm xúc tích cực hay tiêu cực khởi lên, không nắm giữ tâm, không lo âu, không dao động, không nhàm chán… Ngài dạy tu tập tâm từ, bi, hỷ, xả, bất tịnh, vô thường để đối trị với tâm sân, hại, bất lạc, hận, tham ái, ngã mạn.

Sau khi Rāhula thọ giới Tỳ kheo vào năm 20 tuổi, Đức Phật giảng dạy Tiểu kinh Giáo Giới La-hầu-la. Nhằm “huấn luyện Rāhula hơn nữa trong sự đoạn tận các lậu hoặc” [13], Ngài tiếp tục đào sâu về tuệ quán giải thoát. Đức Thế Tôn một lần nữa nhấn mạnh ba đặc tính là vô thường, khổ, vô ngã mà Ngài từng giảng dạy hội chúng nhiều lần trước đây. Cuối cùng, Rāhula giác ngộ.

H.W. Schumann nhận định: “Mối tương quan giữa Đức Phật và Sa di Rāhula đầy tin cẩn và thiện cảm, song không thân ái hoặc mật thiết, vì điều này theo quan điểm Đức Phật có nghĩa là tạo nên một mối ràng buộc nội tâm có thể gây khổ đau. Vì vậy cũng dễ hiểu, kinh điển quả thực đã không tường thuật những cuộc nói chuyện riêng tư giữa hai cha con: các kinh giáo giới Rāhula cũng không khác gì về hình thức với những kinh bậc đạo sư giảng cho chúng Tỳ kheo cả” [14].

Tôn giả Rāhula xuất gia lúc bảy tuổi và giác ngộ rất sớm khi vừa ngoài hai mươi tuổi. Ngài là một cậu bé may mắn. Từ nhỏ, ngài sanh ra trong gia đình vương giả, thọ hưởng đầy đủ những điều kiện tốt đẹp. Đặc biệt, cha của Ngài là bậc Giác ngộ, mang đến ánh sáng chân lý cho cuộc đời. Không những vậy, khi lớn lên, ngài thọ học với những bậc Tôn giả uyên bác như Sāriputta, Moggallāna, Ānanda…

5. KẾT LUẬN
Tôn giả Rāhula xuất gia lúc bảy tuổi và giác ngộ rất sớm khi vừa ngoài hai mươi tuổi. Ngài là một cậu bé may mắn. Từ nhỏ, Ngài sanh ra trong gia đình vương giả, thọ hưởng đầy đủ những điều kiện tốt đẹp. Đặc biệt, cha của Ngài là bậc Giác ngộ, mang đến ánh sáng chân lý cho cuộc đời. Không những vậy, khi lớn lên, Ngài thọ học với những bậc Tôn giả uyên bác như: Sāriputta, Moggallāna, Ānanda…

Rāhula là Sa di đầu tiên trong hàng ngũ Tăng già. Do đó, ngài nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, đồng thời cả sự chú ý, khắt khe, thử thách từ các bậc trưởng thượng. Tuy vậy, không vì mình là thành viên nhỏ tuổi nhứt trong Tăng đoàn, càng không vì mình là con của Đức Phật, mà ngài tỏ ra dể duôi trong quá trình tu học. Trái lại, Tôn giả  Rāhula luôn tinh tấn học hỏi và thực tập những lời dạy của Đức Thế Tôn và các bậc Tôn trưởng.

Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận thấy nhiều đức tính đáng quý ở Tôn giả Rāhula. Chẳng hạn, Ngài phát huy hạnh kham nhẫn trước những khó khăn, nêu cao tinh thần hiếu thảo trong đối xử với đấng sanh thành… Có thể nói, cuộc đời và đạo hạnh của Tôn giả Rāhula là biểu tượng sáng ngời cho hình ảnh vị Tỳ kheo trẻ trong Tăng đoàn của Đức Phật xa xưa cũng như hôm nay.

 

Vĩnh Thông/TCVHPG418

 

Chú thích:
[1] G.P. Malalasekera (2007), Dictionary of Pali proper names, Vol. II, Motilal Banarsidass, tr.739.
[2] Robert E. Buswell Jr & Donald S. Lopez Jr (2013), The Princeton dictionary of Buddhism, Princeton University Press, tr.1700.
[3] Telwatte Rahula (1978), A critical study of the Mahāvastu, Motilal Banarsidass, tr.134.
[4] Tạng Luật: Đại phẩm (2009), Tập 1, Indacanda dịch, Buddhist Cultural Centre, tr.205
[5] Mingun Sayadaw (2019), Đại Phật sử, Tập 6A, Minh Huệ dịch, Nxb. Hồng Đức, tr.220.
[6] Kinh Tiểu bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.402.
[7] Kinh Tăng chi bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.59.
[8] Kinh Mi Tiên vấn đáp (2014), Giới Nghiêm dịch & Giới Đức hiệu đính, Nxb. Tôn giáo, tr.931.
[9] Kinh Tiểu bộ (2015), Tập III, Thích Minh Châu & Trần Phương Lan dịch, tr.89-90.
[10] Kinh Tiểu bộ (2015), Tập IV, Thích Minh Châu & Trần Phương Lan dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.198-199.
[11] Minh tâm bửu giám (1968), Trương Vĩnh Ký dịch, Nxb. Hoa Tiên, tr.136.
[12] Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.508.
[13] Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.623.
[14] H. W. Schumann (2000), Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, Nxb. TP HCM, tr.291.

Tài liệu tham khảo:
G.P. Malalasekera (2007), Dictionary of Pāli proper names, Vol. II, Motilal Banarsidass.
1. Kinh Mi Tiên vấn đáp (2014), Giới Nghiêm dịch & Giới Đức hiệu đính, Nxb. Tôn giáo.
2. Kinh Tăng chi bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
3. Kinh Tiểu bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
4. Kinh Tiểu bộ (2015), Tập III, Thích Minh Châu & Trần Phương Lan dịch, Nxb. Tôn giáo.
5. Kinh Tiểu bộ (2015), Tập IV, Thích Minh Châu & Trần Phương Lan dịch, Nxb. Tôn giáo.
6. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
7. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
8. Mingun Sayadaw (2019), Đại Phật sử, Tập 6A, Minh Huệ dịch, Nxb. Hồng Đức.
9. Robert E. Buswell Jr & Donald S. Lopez Jr (2013), The Princeton dictionary of Buddhism, Princeton University Press.
10. H.W. Schumann (2000), Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, Nxb. TP.HCM.
11. Tạng Luật: Đại phẩm (2009), Tập 1, Indacanda dịch, Buddhist Cultural Centre.
12. Telwatte Rahula (1978), A critical study of the Mahāvastu, Motilal Banarsidass.
13. Minh tâm bửu giám (1968), Trương Vĩnh Ký dịch, Nxb. Hoa Tiên.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin